Bằng giọng kể lôi cuốn, nhiều chỗ châm biếm và hài hước điệu đà, cuốn tiểu sử này tái hiện một Engels đầy mâu thuẫn: vừa thắp sáng lý tưởng cộng sản vừa tiêu dao trong cuộc sống tư sản mà ông luôn công kích.
Sinh năm 1820 tại Wuppertal, Barmen, Vương quốc Phổ, Engels lớn lên trong một gia đình thương nhân giàu có, trưởng nam và người thừa kế của một ông chủ sản xuất bông vải. (Công xưởng chính ở Manchester, đã bị đánh sập vào một năm nào đó về sau, tóm lại chỉ còn hiện diện trên hình vẽ).
Mở ngoặc về thân phụ ông, his namesake.
Friedrich Engels là một ông chủ lớn độc đáo, vừa cứng cỏi vừa thơ mộng. Vì cha đột tử để lại một di chúc mù mờ, ông và hai người em trai bước vào cuộc phân chia gia tài một cách lố bịch và may rủi: Bốc thăm.
Là trưởng nam, đáng lẽ thừa kế toàn bộ sản nghiệp, ông Engels lại bốc phải cái thăm xấu nhất, bị đạp ra khỏi cuộc sống bóng bẩy phú quý, ra đi không một xu dính ví. Nhưng bằng nghị lực và nhẫn tâm của một con sói, chỉ vài năm sau ông đã đè bẹp hai người em thừa kế, làm cơ nghiệp kếch sù của họ tan nát và bản thân họ phải khóc tu tu.
Tuy là một thương nhân sặc mùi tiền, ông Engels lại chơi được và yêu thích dương cầm, đọc đặc biệt đa dạng, am hiểu thơ văn kịch, cũng là lĩnh vực mà ông cấm vợ và các con tiếp xúc. Trong hồi ức của Engels, khi bắt gặp vợ đọc Nỗi đau của chàng Werther, ông Engels đã nghiêm khắc bảo đàn bà thì nên tập trung vào may vá hơn là mấy trang sách ba vạ. Với Engels, ông thẳng thừng hơn, hễ thấy con trai đọc sách, ông giật lấy xé luôn, ông cũng thường xuyên lục cặp đi học của con để phát hiện và tiêu diệt các dấu hiệu mà ông coi là phản nghịch.
Vâng lời cha, Engels học xong trung học thì đi làm ngay ở hãng bông vải của gia đình, từ vị trí thấp nhất đi lên, từ Đức sang Anh. Và ông cứ làm ở đấy đến tuổi về hưu, song song với sinh hoạt chi bộ cộng sản. Nhờ duy trì class thương nhân, ông có tiền để tiếp tục cuộc sống thiếu gia phong lưu (và phóng túng), đồng thời hỗ trợ tài chính cho các bạn đồng chí, tiêu biểu là Karl Marx.
Engels không chỉ là cộng sự tư tưởng, mà còn là hầu bao của Marx và vợ con. Engels chăm chỉ làm việc trong hệ thống tư bản mà ông và Marx kịch liệt chỉ trích, rồi đều đặn gửi tiền kiếm được từ chính hệ thống ấy đến cho Marx, nhất là thời gian ông này viết Tư bản, giúp cả nhà họ vượt qua nhiều năm tháng khốn quẫn. Từ đây tạo nên một nghịch lý khôn kham: dùng lợi nhuận từ sự bóc lột lao động để nuôi dưỡng một triết lý nhằm xóa bỏ sự bóc lột ấy.
Ngoài câu chuyện về cuộc đời Friedrich Engel, The Frock-Coated Communist còn là bức tranh về châu Âu thời cách mạng, nơi nhiều tư tưởng lớn lao ra đời trên lằn ranh lý tưởng và thực tế.
Manchester, trung tâm công nghiệp Anh thời bấy giờ, bày ra trước mắt Engels các minh họa trực quan và khắc nghiệt của chủ nghĩa tư bản: những khu nhà ổ chuột, những công nhân kiệt sức, sự bất bình đẳng tột cùng giữa các giai tầng. Trải nghiệm này thổi hồn cho cuốn Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh (1845), một tác phẩm sắc bén phơi bày bộ mặt tàn nhẫn của hệ thống công nghiệp. Tát nhiên, trong khi viết về sự khổ đau của người lao động, Engels vẫn mặc tình hưởng thụ lợi ích của hệ thống ấy.
Mâu thuẫn này có nhẽ đã luôn tồn tại trong máu Engels. Thuở thiếu niên, ông vừa ấp ủ giải phóng giai cấp bị nô dịch, vừa ngưỡng mộ tầng lớp đi nô dịch. Một trong những nhân vật có ảnh hưởng sớm nhất với Engels là Alexander Đại đế. Tuy không biết nhiều về Alexander, nhưng hồi đó, tôi thích Engels, Engels lại thích Alexander, nên khi ra đời đi làm cần chiếc tên tiếng Anh, tôi mới nghĩ ngay đến chiếc tên Alex.
Engels ủng hộ giai cấp thấp, nhưng đặc biệt yêu thích thú vui của giai cấp cao. Ông đi săn cáo với nhóm Cheshire Hunt, phóng ngựa qua những cánh đồng xanh mướt, và thường xuyên mở tiệc linh đình tại tư gia ở Manchester. Khi không làm việc không tiệc không sắn, ông lại chong đèn viết báo viết thư viết luận, gay gắt lên án sự bóc lột công nhân trong chính các công xưởng của gia đình.
Dù viết ra những dòng chữ đầy cảm thông và thống thiết về tình cảnh của giai cấp công nhân, Engels lại sống hoàn toàn tách biệt với lý thuyết của mình, trên thực tế. Hunt chỉ ra rằng Engels hiếm khi can thiệp để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân trong các công xưởng bông mà ông quản lý. Ông nghiễm nhiên nhận lấy lợi nhuận từ chế độ lao động khổ sai, một hành động mâu thuẫn với những lời ông rao giảng về công bằng xã hội.
Bên cạnh mâu thuẫn về tư tưởng, cuộc sống cá nhân của Engels cũng chứa những góc khuất có thể xem là tai tiếng. Ngoài dinh thự thường xuyên tiếp đón bạn bè thượng lưu ở Manchester, ông có một ngôi nhà khác dành cho Mary Burns, nhân ngãi lâu năm. Mary là một phụ nữ Ireland bần hàn, cố nhiên mối quan hệ này là không chấp nhận được theo quan điểm của xã hội Victoria. Engels không chỉ chung chạ với Mary mà còn với Lizzie em gái cô, nhưng không cho các cô danh phận gì và nhìn chung giữ kín cả hai, không phải để tránh cho họ rơi vào cảnh bị lăng nhục như Con hủi (Helena Mniszek), mà để bảo vệ sự yên ổn cho tên tuổi mình trong giới thượng lưu.
The Frock-Coated Communist không chỉ kể về Engels ở thời đại ông mà còn đặt ông vào bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Theo Hunt, những phê phán của Engels về chủ nghĩa tư bản vẫn còn vang vọng trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, đặc biệt khi cuốn sách ra mắt đúng vào khủng hoảng tài chính 2008-2009.
The Frock-Coated Communist là những dòng văn hấp dẫn, vừa tái hiện sống động một nhân vật có ảnh hưởng lớn với tôi, lại được vài trống canh buồn cười về sự rối ren hài hòa của nội tâm trần tục. Friedrich Engels không muốn và không phải là thánh nhân cách mạng, nhưng cũng không có í thức đạo đức giả hay hai mặt. Ông ấy chỉ đơn giản là một con người sống hết lòng hết sức cho những người và những thứ mình tâm niệm, không băn khoăn tiêu chí đánh giá của nhân quần.
Tro Engels được cô con gái nhỏ nhất của Marx và vài người đồng chí đem đến rắc ở một hẻm núi Anh tôi đã quên tên nhưng hi vọng có dịp viếng thăm vào một ngày nào đó.
Cũng muốn một lần đến Wuppertal nữa, dù nơi này đã xóa khỏi hồi ức người con nổi tiếng nhất của mình.
THE FROCK-COATED COMMUNIST: THE REVOLUTIONARY LIFE OF FRIEDRICH ENGELS
Tristram Hunt (GB)
Biography
✬✬✬