Câu chuyện vỡ mộng nức nở điển hình của một người đi lao động xuất khẩu Vùng Vịnh.
Vợ sắp sinh con, cảnh nhà túng bấn, sức khỏe sa sút, thợ lặn Najeeb tìm được một mối làm thị thực đi lao động ở Saudi Arabia. Đầu những năm 1990, khói lửa xung đột sau chiến tranh Iraq lần thứ nhất đã lắng xuống, cơ hội việc làm nở rộ trở lại.
Theo người dắt mối, Najeeb đến được Riyadh. Thành phố hào nhoáng, những người Ả Rập đi qua đi lại trước mặt anh sang trọng thơm tho đến nỗi có cảm giác lấy nước tiểu bất cứ ai trong số bọn họ cũng điều chế được một lọ nước hoa.
Najeeb chờ đến tối mịt mới thấy chủ thuê đến đón. Trái với những sang trọng thơm tho, người này phát ra hào quang đen đục và tỏa hương hôi thối từ tận đằng xa, như một điềm báo lầm than cho con đường sinh kế trước mắt.
Ngồi trên khoang sau chiếc xe bán tải rung lắc, Najeeb theo chủ thuê rời khỏi thành phố, ra sa mạc, ở đây anh sẽ trải qua hơn ba năm lao khổ cực nhọc với nghề chăn dê, không tắm rửa thay quần áo
Sạch sẽ đã từng là hệ tư tưởng của tôi.
Nhưng ở sa mạc, nước không thể lãng phí vào những việc vớ vẩn như rửa ráy sau khi đi ị, nói gì đến tắm gội, rửa mặt hay đánh găng.
Mụn nước mọc xen kẽ với lông bẩn ở nách và mu.
Côn trùng li ti kéo đến định cư.
Cơ thể tôi trở thành khu bảo tồn dịch hại.
Chấy rận bọ kết thành lớp vỏ trên da dẻ.
Dê còn sạch hơn tôi.
ăn uống không có gì khác ngoài bánh khubus và nước lã
Bữa sáng: khubus, nước lã
Bữa trưa: khubus, nước lã
Bữa tối: khubus, nước lã
bầu bạn là dê gió cát đòn roi cùng những thử thách tàn nhẫn về cảm xúc. Tiêu khiển những lúc hiếm hoi rảnh rỗi chỉ là hối hận và chiêm nghiệm.
Thời thơ ấu tôi từng mơ làm dân du mục
để phiêu lãng từ xứ này qua xứ khác
để đi dạo với đàn dê trên đồng cỏ và sườn đồi
để dựng lều mỗi ngày ở một nơi
để canh dê đêm đông bên bếp lửa.
Cuối cùng, khi phải sống đời chăn dê thực thụ
tôi mới thấy khác biệt nhường nào.
Thật dại dột khi ước ao
về những thứ mình chưa hiểu rõ.
Trong ba năm, không phải Najeeb không có cơ hội trốn thoát, nhưng anh đã bỏ qua vì những băn khoăn thường gặp của người không dám liều hoặc chưa tới mức phải liều
Mùa đông năm đó, nếu muốn, tôi đã có thể trốn thoát nhờ sương mù dày đặc.
Nhưng chính nỗi nghi hoặc nhen lên trong đêm mưa đầu tiên đã khiến tôi u mê tê liệt: Đi đâu?
Tôi không biết gì về đất nước này
không biết mình đang ở đông nam bắc hay tây
thế thì có nên bỏ chạy để tìm lối thoát?
Ở đây, rõ ràng là thiếu hụt thức ăn nước uống quần áo chỗ ngủ lương bổng ước mơ hay khát vọng. Nhưng vẫn còn một thứ quý giá: sự sống.
Tôi phải cố sức duy trì.
Giờ mà chạy trốn ra sa mạc bao la kia, tôi có thể đánh mất cả nó.
Mặt khác của tù ngục, là an toàn.
Quá năm thứ ba, anh tìm được cơ hội trốn thoát với đồng hương ở trại bên cạnh, không có thị thực nên bị tống vào tù đợi đại sứ quán đến đón hoặc chủ thuê đến bảo lãnh.
Thế giới không biết đến chúng tôi
Chúng tôi cũng không biết đến thế giới
Đó là nhà tù.
Câu chuyện cũng hay đấy, khi phát hành đã là best seller ở bang Kerala, được kể lại dựa trên trải nghiệm thực tế của một anh Najeeb nào đấy đi Vùng Vịnh về, nhưng vẫn thiếu chút sâu sắc ly kì để trở nên kinh điển.
GOAT DAYS
Benyamin (IN), Joseph Koyippally (Translator)
Adventure
✬✬✬