Chuyện tháng Giêng 1863

Trước đó một hôm, Engels gửi thư báo tang hồng nhan tri kỉ

Manchester, 7/1/1863

Moor ơi,

Mary mất rồi. Tối qua cô ấy đi nằm sớm, quãng nửa đêm Lizzie đi ngủ thì phát hiện Mary đã tắt thở. Đột tử. Có nhẽ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến não. Mãi sáng nay tôi mới được báo tin. Tối thứ Hai Mary còn khỏe mà. Thật không biết tả sao cho xiết lòng này. Người con gái đáng thương ấy đã yêu tôi bằng cả trái tim.

Your F. E.

Luân Đôn sốt sắng phúc đáp

London, 8/1/1863
Engels thân,

Biết tin Mary qua đời, tôi rất ngỡ ngàng cả bàng hoàng. Cô ấy hiền hậu hóm hỉnh và gắn bó với cậu thế mà lại.

Trời mới biết tại sao đám chúng ta dạo này lại bất hạnh đến vậy. Đơn cử tôi cũng chẳng biết xoay xở ra sao đây. Đã cố hỏi vay bên Pháp và Đức nhưng vô vọng. 15 bảng đang có chỉ giúp tôi cầm cự giỏi lắm vài tuần. Không ai cho chúng tôi mua chịu nữa trừ ông bán thịt và ông bán bánh, mà cuối tuần này các ông ấy cũng ngừng lương thiện thôi. Ngoài ra tôi còn bị nã học phí, tiền thuê nhà và hầm bà lằng đủ thứ. Các con chẳng có quần áo hay giày dép gì để ra phố. Hai tuần nữa là cả nhà đi tong nếu tôi không xoay được khoản nào kha khá ở quỹ cho vay hay bảo hiểm nhân thọ, mà hiển nhiên là tôi không vay được dù đã thử mọi cách có thể nghĩ ra. Họ đòi phải có người bảo lãnh và bắt tôi xuất trình biên lai tiền thuê nhà cùng biên lai thuế má, nhưng mà tôi lấy đâu ra.

Tôi ích kỉ thật nhỉ khi bắt cậu phải nghe mấy chuyện nặng nợ vào lúc cậu thế này. Nhưng biết đâu đây lại là một liều vi lượng đồng căn, lấy cái sầu nọ để xoa dịu cái sầu kia. Vả chăng tôi còn biết làm gì hơn nữa? Cả cái Luân Đôn này cón ai để tôi thổ lộ giãi bày, ngay cả ở nhà tôi cũng phải giả vờ điềm tĩnh như một khắc kỉ triết gia… Hoàn cảnh này thì ai mà làm việc cho nổi? Giá mẹ tôi có thể thế chỗ Mary, đằng nào cụ cũng đau yếu triền miên và sống đủ lâu rồi... Cậu thấy đấy, khi bị hoàn cảnh o ép thì một người văn minh cũng có lúc phát sinh những í tưởng dã man.

Thân.

K. M.

Giờ cậu định thế nào, cho đời mình? Chắc sẽ rất gian nan nhỉ, bởi Mary từng là mái ấm để cậu có thể rút về bất cứ khi nào cậu muốn, rời xa mớ hỗn độn của thế giới loài người.

Hiển nhiên, thay vì bàn luận về cái nghèo châu Phi, bất công châu Mỹ, nổi dậy châu Âu, bộc lộ niềm hả hê khi lật nhào một số kẻ thù thâm căn cố đế bằng bút chiến, Engels viết rất cô đọng và kìm nén, rõ ràng là chờ đợi người bạn thân an ủi hòng pha loãng nỗi đau đặc quánh trong tiêm. Nhưng Marx đã phản ứng đúng kiểu không biết thế nào là xấu hổ. Chia sẻ một câu vô thưởng vô phạt rồi dành ba gang tay kể lể về cơn túng quẫn thường trực, rà rã xin tiền 365 ngày/năm nhưng vẫn tiếc nuối không chịu nhả ngày thứ 366, đúng như Nam Cao nói, người đau chân làm nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác nữa.

Năm ngày sau Engels mới phúc đáp, không gọi Moor ơi Moor ơi, bỏ qua mở bài đi thẳng vào kết luận, tỉnh như anh chắc thừa sức đoán ra tôi trả lời muộn là do đang bất hạnh, và càng là do thái độ bàng quan của anh trước bất hạnh của tôi.

Toàn bộ bạn bè tôi, kể cả những đấng sơ giao chỉ có tí ti não bộ cũng nhất loạt bộc lộ niềm cảm thông và hữu ái vượt quá mức tôi dàm chờ đợi trong cảnh [tang thương]. Thế nhưng ANH lại cho rằng này là thời điểm thích hợp đây để trưng trổ cái tôi vô cảm... Thôi đành vậy!

Là tôi thì sẽ vẫy Marx ra đoạn tuyệt, nhưng Engels sau chấm than lại rót cho Marx liều thuốc ông ta đang cần, dạy cách làm hồ sơ vay, nói rõ rằng ông không thể bảo lãnh, nhưng việc Marx thoái thác không vay được chỉ là viện cớ đánh bài lười. Tuy nhiên, nếu thực sự vẫn không vay được thì ông sẽ thu xếp một khoản trợ cấp tăng cho nhà Marx vào tháng tiếp theo.

Marx nghiền ngẫm mất mười một ngày mới hồi âm, tôi thật là sai khi viết thư như thế, kì thực tôi đã hối hận ngay sau khi gửi nó đi…