Oguri Mushitaro sinh năm 1901, vô cùng uyên bác, sáng tác truyện như soạn bách khoa toàn thư, qua đời vì xuất huyết não ở tuổi 45.
Oguri kể rằng, ông viết Án mạng Hắc Tử Quán khi đang sống trong một ngôi nhà nghèo túng, chẳng có sách vở tài liệu gì, thứ sở hữu duy nhất chắc là vong.
Năm 1934, Oguri bắt đầu đăng dài kì Án mạng Hắc Tử Quán trên tạp chí Tân Thanh niên. Hắc Tử Quán mau chóng gây chấn động văn đàn Nhật Bản, trở thành cuốn sách phải đọc với nhiều người Nhật thời Thế chiến 2. Nội dung phức tạp ma quái, với người này giống địa ngục, với người khác giống thiên đường, khiến người ta hoặc bị say đắm, hoặc bị thôi miên (buồn ngủ).
Phe anti thì nói, một mai trinh thám Nhật Bản có bị cấm, chính là tại cuốn này, nên đem treo nó trong phòng làm việc, phòng khách và phòng ngủ của Natsuhiko Kyogoku (tác giả Mùa hè của Quỷ thai) để cảnh báo ông về tương lai u ám của trinh thám Nhật. Sở dĩ dẫn Natsuhiko Kyogoku, vì ông vẫn được coi là nhà văn trinh thám có màu sắc Nhật tiêu biểu, khi đưa nhiều yếu tố dân gian dân tộc vào sáng tác của mình. Lại có người nói, đọc xong tôi nôn nao muốn ói, não bộ bốc mùi khét mù cùng tiếng lạch cạch hỗn loạn cho thấy tế bào tư duy lao lực quá độ.
Matsushita Konosuke, nhà sáng lập Panasonic lại tâm sự, vì ông hiểu được Tôn Tử binh pháp và Hắc Tử Quán, nên việc quản lý kinh doanh hằng ngày với ông chỉ là chuyện nhỏ.
Còn bạn, nếu gạt bỏ được nỗi lo không nắm được cái gọi là định luật Titius-Bode, quỹ đạo hành tinh co, lý luận không-thời gian bốn chiều của Minkowski, cấu trúc hệ mặt trời, quy tắc hình học bán kính, thuyết tương đối rộng của Einstein về độ cong không gian, tinh thần của Faust, cái chết của Mozart, thần học Maverick… không ngại vừa đọc vừa google, không sợ cuộc bao vây của chiêm tinh tâm lý tôn giáo kiến trúc y khoa âm nhạc tội phạm học cùng nhiều bộ môn khác, và nhất là không ngán việc nghe nhân vật nói mà tưởng tiếng ngoài hành tinh, thì cứ thoải mái đọc truyện.
Truyện kể về Furiyagi, một gia đình lai Tây bí hiểm sống trong dinh thự kiểu Tây tên Hắc Tử Quán ở tỉnh Kanagawa. Gia đình họ từng gặp phải vài án mạng kì quặc. Bẵng đi nhiều năm, tử vong lại giáng xuống, một cô người Tây (con gái nuôi của gia chủ) bị giết, thi thể tỏa sáng mờ như trăng quầng.
Thám tử Norimizu Rintaro được mời đến để điều tra.
Template một đoạn suy luận của thám tử:
Anh đang phát ngôn với biểu cảm A, tiềm thức hành động B, chuyển động thực tế C. Theo tác phẩm D của Shakespeare, đoạn E của Faust, phương pháp cắt nghĩa F tiếng Hebrew, câu anh nói là đảo ngữ vô thức, thật ra là G. Kết hợp A, D, E ở trên, cộng thêm thuyết H của Freud, khái niệm I trong tâm lý học tội phạm, suy ra anh đang muốn che đậy J, đúng không?
Vòng vo viển vông mất công như vậy, nhưng thám tử thường xuyên suy luận chưa ráo miệng đã bị chân tướng vả vào mặt. Tính ra, Hắc Tử Quán có lẽ thuộc số ít tiểu thuyết trinh thám mà thám tử suy luận sai ở mức cao kỉ lục.
Tất nhiên, các suy luận sai này, cùng rất nhiều tình tiết tung hỏa mù và vô số nhân vật qua đường đều nhằm mục đích gia tăng khoảng cách với chân tướng và tạo ra chiều sâu cho tác phẩm. Vụ án không quá rối rắm, nhưng diễn giải được đánh giá là mông lung, văn chương được đánh giá là hoa lệ, kiến thức được đánh giá là bề thế, có lẽ là các yếu tố khiến Hắc Tử Quán được xếp vào hàng kì thư.
Truyện khá dày, in ra chắc cỡ Người trong lưới hay 13.67.
Dogra Magra, kì thư tiếp theo, còn dày gấp đôi, tác phẩm vô cùng hại não của Yumeno Kyusaku.
Tam đại kì thư xếp theo thứ tự ra đời, không phải theo độ hay. Người đưa ra khái niệm Tam đại kì thư Trinh thám Nhật là Futagami Hirokazu, nhà văn, nhà phê bình tiểu thuyết trinh thám.
黒死館殺人事件
Tác giả: Oguri Mushitaro (Nhật Bản)
Thể loại: trinh thám