Nhà vệ sinh thời xưa rất đơn giản, chỉ là một cái hố lớn lộ thiên, ngồi me mé trên miệng hố đi xuống. Về sau, người ta dựng chòi bên trên, có lẽ vì sợ đang tập trung tác nghiệp lại bị gió mạnh thổi ngã vào hố. Đi vệ sinh hồi đó quả thật là một hoạt động nguy hiểm, chẳng may rơi xuống hố có thể chết đuối. Đừng cười, trong lịch sử thực sự có chuyện như vậy: Tấn Cảnh Công thời Xuân Thu rơi xuống hầm cầu chết đuối giữa lúc hành sự, cũng trở thành vị quân chủ đầu tiên mất mạng vì đi vệ sinh.
Đi xong thì chùi đít bằng cái gì? Hiện tại không cách nào kiểm chứng, dù sao dùng văn phòng tứ bửu ghi lại những chi tiết trần tục như vậy cũng rất xấu hổ. Nhưng dựa vào các dấu vết còn lại trong lịch sử có thể đưa ra vài phỏng đoán hợp lý. Sau khi thành lập nước cộng hòa, một số vùng quê nghèo khó vẫn dùng lá cây, rơm rạ, đá cuội thậm chí cả cục đất để chùi đít. Thời phong kiến có lẽ cũng chùi đít bằng mấy thứ này, ước tính xác suất mắc bệnh trĩ phải rất cao.
Có quan hệ gần gũi với chùi đít là khố kinh, hay băng vệ sinh. Do kinh tế hàng hóa xưa kém phát triển và ảnh hưởng của đạo đức phong kiến, công nghệ sản xuất khố kinh cực kì bí mật, không sản xuất hay bày bán công khai. Phương pháp được kín đáo truyền thụ giữa đàn bà con gái. Khố kinh là một dải vải hẹp, ở giữa khâu túi nhỏ đựng tro thực vật. Tro thực vật là tro thu được khi đốt cây lá, có chức năng hút nước, loại bỏ ẩm ướt và diệt khuẩn. Dùng hết xí quách thì đổ tro, giặt sạch khố (khá giả thì pha thêm phèn để khử trùng), phơi rồi thay tro mới cho lần sử dụng tiếp theo. Quý tộc hay dùng bông hoặc giấy thay vì tro thực vật, thật ra thấm hút không tốt bằng. Phụ nữ xưa sử dụng, giặt phơi và bảo quản khố kinh vô cùng kín đáo và cẩn thận, nhiều ông lấy vợ cả chục năm cũng không biết khố kinh mặt mũi như nào.
Cũng liên quan đến vấn đề vệ sinh là đánh răng. Đánh răng xuất hiện lần đầu dưới thời Tùy-Đường, có nguồn gốc Ấn Độ cổ đại và dính dáng đến Phật giáo. Theo truyền thuyết, đang thuyết pháp dưới gốc cây bồ đề thì thấy mồm các đệ tử xung quanh hôi quá, Thích Ca bèn khuyên họ lấy cành cây cọ răng. Thỉnh kinh mang Phật giáo về Trung Quốc, kĩ nghệ đánh răng cũng đi theo.
Tóm lại mỗi chương về một mặt sinh hoạt của người xưa bên lân bang. Sách dễ đọc, nhưng chỉ được vài chương thú vị, không chuyên sâu cho lắm, cũng không có sở cứ, đọc cứ mông lung. Một vài đoạn về ngữ âm, chữ viết, không là người Tàu không cảm hết được.
Một vài nội dung gần thú vị khác.
Thông thường, người xưa sống bao nhiêu tuổi? Nghiên cứu và thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình các triều đại là: Tiền Tần 18 tuổi, Hán 22 tuổi, Đường 27 tuổi, Tống 30 tuổi, Thanh 33 tuổi. Có câu thất thập cổ lai hi, thật ra thời cổ sống qua tam thập đã không dễ dàng rồi. Tại sao lại yểu mệnh thế? Trước hết, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thời xưa rất cao, làm giảm tuổi thọ trung bình. Trong số 17 con trai của Càn Long, 7 người chết trước khi lên 8 tuổi. Hoàng gia còn thế, hàn gia có điều kiện nuôi dưỡng kém chắc chắn sẽ có tỉ lệ tử vong trẻ em cao hơn, nhất loạt tác động giảm vào tuổi thọ trung bình. Có một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến tuổi thọ là điều kiện y tế. Khám bệnh rất tốn kém, Hồng Lâu Mộng có nói một lần đi khám trả một hai lượng bạc, tương đương nửa tháng thu nhập của người bình thường, chưa tính tiền thuốc. Cho nên trừ nhà giàu, dân thường khó lòng được thăm khám và uống thuốc. “Bệnh nhẹ chờ xem, bệnh nặng chờ chết” là tình trạng y học phổ biến ngày ấy.
Không thọ lắm thì kết hôn sao đây? Tính ra tuổi kết hôn của người xưa muộn dần qua các thời. Để dễ hình dung thì nhà Hán lấy vợ từ cấp hai, nhà Đường lấy vợ từ cấp ba, Minh, Thanh phải tốt nghiệp cấp ba mới được lấy vợ. Thư sinh thời Tống phải chờ tốt nghiệp đại học!
Bắt đầu từ thời nhà Đường, Nhật Bản đã bắt chước hệ thống niên hiệu của Trung Quốc, hệ thống này duy trì hơn một nghìn năm qua, tổng cộng có 247 niên hiệu đã sử dụng. Niên hiệu Nhật Bản hầu hết có nguồn gốc từ thư tịch cổ Trung Quốc, phổ biến nhất là Kinh Thư và Chu Dịch. Năm 2019 Nhật Bản công bố niên hiệu của tân thiên hoàng là Lệnh Hòa (Reiwa), phá vỡ truyền thống một nghìn năm đặt niên hiệu theo thư tịch cổ Trung Quốc.
Thơ văn hay kể người xưa uống rượu giỏi, toàn hàng cân hàng cân. Thật ra là do phương pháp ủ rượu chưa phát triển. Rượu Lý Bạch uống hàng vò tính ra chỉ một độ, chưa bằng bia ngày nay.
Thời xưa tội lưu đày chỉ nặng sau tội tử hình. Họ bị đày đến những nơi xa xôi lạc hậu, dễ chết dọc đường. Ta có thể thắc mắc: Tại sao tù nhân bị đày ải không trốn đi? Không phải không muốn trốn, mà trốn không được. Trước khi đi đày, tù nhân sẽ bị xăm chữ vào mặt. Má trái là tội danh, má phải là nơi đi đày. Xui xẻo nhất là nhà Thanh, phải xăm cả chữ Hán và chữ Mãn, nghĩ đã thấy đau mặt. VD tội danh là thông dâm với chị dâu và nơi lưu đày là Khoa Nhĩ Thấm Tả Dực Trung kỳ ở Nội Mông…
Cách vận chuyển vải thiều từ Lĩnh Nam về Trường An cho Dương thị. Đánh đường cao tốc về thẳng Trường An, sao cho 2000 dặm đi ngựa 5 ngày là tới, ngài gì đấy tán gái cũng công phu ghê. Cách bảo quản vải: 1. Vải hái nguyên lá cành cho vào ống tre bịt bùn kín để tươi và tránh va đập. 2. Vải cho vào hộp gỗ có nhiều lớp bông len chèn đá viên để giữ lạnh (kĩ thuật vận chuyển container đông lạnh sớm nhất thế giới. 3. Đánh cả cây vải sắp chín về.
Lịch học của hoàng tử nhà Thanh: Mỗi ngày trước bình minh phải vào cung, sớm hơn các đại thần trong triều, sớm hơn thầy một giờ để xem lại bài hôm trước. Tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 5 giờ sáng, học tiếng, bắt buộc là Mãn Châu và Mông Cổ, tự chọn Tây Tạng hoặc Uyghur. Tiết thứ hai là tiếng Hán, rồi kinh điển Nho gia, lịch sử… từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Cuối cùng là học thể dục, cưỡi ngựa bắn cung đến 5 giờ mới tan. Cả ngày học, trừ giờ ăn chỉ có hai lần giải lao, mỗi lần mười lăm phút. Đáng sợ hơn là không có cuối tuần, không có nghỉ đông nghỉ hè, mỗi năm chỉ nghỉ năm ngày (Nguyên đán, Lễ hội Thuyền rồng, Trung thu, sinh nhật hoàng đế và sinh nhật của chính họ). Ngay cả đêm giao thừa cũng chỉ được tan học sớm. Chế độ dạy dỗ nghiêm khắc này khiến các hoàng đế nhà Thanh có trình độ văn hóa cao hơn nhiều so với các hoàng đế đời trước.
Đại khái thế, ai đấy khảo cứu tổng hợp mini về sinh hoạt trần tục của người Việt xưa thì đọc thích hơn.
古人的生活世界
Tác giả: Vương Hồng Siêu
Thể loại: khảo cứu, douyin, tiktok