Bài này là kinh nghiệm cá nhân, chủ iếu chia sẻ với các bạn đang làm biên tập viên xuất bản. Hơi dài, cũng hơi mông lung, nhưng tập trung vào ba nội dung

  1. Lời dẫn
  2. Ví dụ
  3. Kinh nghiệm

1.

Lượn nhẹ một vòng quanh các hội nhóm liên quan đến sách vở, không khó khăn gì để bắt gặp than phiền về dịch thuật của một cuốn sách nào đấy. Từ “sai nghĩa” đến “dịch khó hiểu”, từ “diễn đạt” đến “chính tả, đánh máy”, ở bài này tôi tập trung vào lỗi cơ học, tức lỗi nghĩa, đúng sai tương đối rõ ràng, không gây tranh cãi lôi thôi. Còn giọng văn mỗi người một gu, cánh đồng bất tận, không muốn lang thang vào đấy làm gì.

Qua mười bốn năm biên tập dịch thuật xuất bản, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, tôi buộc phải thừa nhận, không một bản thảo nào không sai sót. Câu này nghe qua vô trách nhiệm, nhưng sự hoàn thiện hoàn mỹ đúng là vượt qua năng lực của con người và quy trình hoạt động của biên tập-xuất bản hiện tại. Dù tôi vẫn thường thủ thỉ với đồng nghiệp mỗi khi có dịp, rằng cố gắng làm việc cẩn thận hết sức có thể, không phải vì sợ ăn chửi, mà vì đây là đạo đức nghề nghiệp, bạn đọc trả tiền để mua sách của mình, bạn đọc xứng đáng nhận được chất lượng tử tế nhất. Tuy nhiên, một bản thảo thường qua nhiều người, nhiều khâu, sự chệch choạc là không tránh khỏi, thậm chí với chính bản thân, nhiều khi nhìn bản đọc đính chính tôi còn thuỗn mặt không hiểu tại sao mình có thể nhầm lẫn đến thế, lúc làm việc mắt mình để đâu.

2.

Ví dụ một cuốn sách bán rất chạy, chất lượng nội dung, dịch thuật biên tập đều được nhìn nhận là ổn thỏa như 13.67, cũng suýt mắc một tai nạn không ai ngờ. Các bông đã hoàn tất, đã duyệt nội dung, chỉ đưa morat là in được.

Morat đôi lúc là một cơ chế hoạt động rất kì diệu, tôi từng gặp vài morat đã vận hành hàng chục năm, cơ khí hơn máy móc, tốc độ hơn tàu nhanh, chỉ soát chính tả đánh máy, nội dung ngữ cảnh không quan tâm. 13.67 gặp phải một morat đúng kiểu như thế.

Ở chương cuối, két sắt nhà Hill lộ mật khẩu, Quan Chấn Đạc dặn Hill, xin cơ quan cấp cho cái két mới, “thay cái ở nhà đi”. Morat đại nhân cho rằng trên đời chỉ có “cái nhà ở” không có “cái ở nhà’ nên cô ta gắt gao sửa luôn. May sao lúc bản in ra, biên tập đọc soát đính chính đã gắp được và iêu cầu in lại.

Nói ra bảo bao biện, nhưng những tình huống tắt bật khó lường thậm chí ở mức đơn bào như thế khiến cho bản thảo hoàn hảo kiểu Alibaba khắp nơi đều khen, vẫn là một cái ngưỡng chưa ai tiệm cận được.

3.

Tuy nhiên, ta đang nói đến vấn đề lỗi cơ học trong dịch thuật, là địa hạt biên tập xoay xở kiểm soát được. Loại trừ trường hợp đã có người dịch tâm đầu í hợp hoặc đáng tin cậy qua nhiều lần cộng tác, hay có danh tiếng (thương hiệu cá nhân như tôi đề cập ở bài trên), còn nói chung nên đề nghị làm bài dịch thử, tương tự casting khi đóng phim.

Dịch thử giúp tìm ra bản dịch đáp ứng được iêu cầu xuất bản, hạn chế sự khổ nhọc và sơ sẩy cho biên tập viên. Giống như quét nhà vậy, lỗi ít thì còn dọn được, lỗi nhiều là dễ sót lắm.

Trong các hợp đồng dịch thuật, tôi nhớ là thường có điều khoản nếu sai nghĩa quá 20% thì sẽ trừ nhuận dịch, vì đó là trường hợp nhà xuất bản phải tổ chức hiệu đính toàn bộ, mất công, mất thời gian, mất tiền bạc.

Nhưng điều khoản này tôi đoán là chưa mấy ai thực hiện hoặc thực hiện rành mạch, vì nó cực kì ảnh hưởng quan hệ, dễ gây tranh cãi nữa, chữ nghĩa trí thức chứ nào phải buôn bán đường chợ mà kì kèo mặc cả phần trăm.

Đây là một cách test và thanh toán tôi đã áp dụng vài năm, khá êm ấm thỏa đáng, các bạn biên tập cân nhắc xem.

Về dịch thử

Bài test dài chừng 0.35-0.5% độ dài toàn bộ tác phẩm

Tính sai trên đơn vị câu. Một lỗi sai trên một câu tính là một câu sai, nhiều lỗi sai trên một câu cũng tính là một câu sai. Một câu dịch thiếu tính là một câu sai.

100 câu sai nghĩa quá 2 câu là bản dịch thử không đạt.

Về nhuận dịch

Bỏ điều khoản 20% trên hợp đồng đi.

Thanh toán theo số chữ file in đã trừ số chữ của các câu sai nghĩa, các câu dịch thiếu do biên tập dịch bù, các chú thích do biên tập thêm vào.

Hi vọng kinh nghiệm này có ích. Vì một ngày mai toàn những sách tốt, hạn chế thiệt thòi thất vọng cho người đọc, người dịch, và cả chính người biên, các bạn.

Biên tập (3) THIẾT KẾ BÌA SÁCH
Biên tập (2) THÔNG ĐIỆP THỊ GIÁC CỦA VĂN BẢN